Factfulness by Hans Rosling – Thế giới có thể không tồi tệ như bạn đang nghĩ

Lần đầu biết tới cuốn sách này không phải thông qua lời giới thiệu của Bill Gates mà là qua một bài trên TED do Anna Rosling Rönnlund trình bày. Ấn tượng lớn nhất về bài TED này đó là về trang Dollar Street. Nơi mà thế giới không còn được phân thành các nước phát triển và các nước đang phát triển, thay vào đó, thế giới giờ được phân chia thành 4 vùng, dựa trên mức thu nhập. Nhưng khi đó, cô không hề nhắc tới cuốn sách( có nhắc tới mà mình không nhận ra) thế nên mãi cho tới khi đọc được những lời nhận xét của Bill Gates, mình mới thực sự bắt đầu đọc cuốn sách này. Lâu lắm rồi mới có một cuốn sách khiến mình khi đã đọc là không muốn đặt xuống (thực ra trước đây chỉ đọc truyện kiếm hiệp là mới không muốn đặt xuống mà thôi @@). Và Bill Gates đã cung cấp miễn phí cuốn sách này cho toàn bộ sinh viên Mỹ!!!

CHÚ Ý: Những thông tin sau đây sẽ tiết lộ nội dung sách, có lẽ bạn nên dừng lại nếu muốn tự mình khám phá toàn bộ cuốn sách thú vị này.

Bắt đầu cuốn sách là 13 câu hỏi mà theo mình là mang tầm vóc khá vĩ mô về thế giới. Những cá nhân sống chỉ biết tới bản thân như mình có lẽ là không thể trả lời nổi. Ví dụ như:

1. In all low-income countries across the world today, how many girls finish primary school? (Tạm dịch: Xét tất cả các quốc gia thu nhập thấp trên thế giới hiện nay, bao nhiêu phần trăm các bé gái đã học hết cấp 1?)

A: 20 percent (20 phần trăm)

B: 40 percent (40 phần trăm)

C: 60 percent (60 phần trăm)

2. Where does the majority of the world population live? (Tạm dịch: Đâu là nơi tập trung phần lớn dân số trên thế giới?)

A: Low-income countries (Các quốc gia có thu nhập thấp)

B: Middle-income countries (Các quốc gia có thu nhập trung bình)

C: High-income countries (Các quốc gia có thu nhập cao)

Các câu hỏi này cũng được Hans Rosling đưa ra cho các nhà khoa học, sinh viên trên toàn thế giới trong suốt nhiều năm hoạt động của mình. Hans đã đem kết quả của các nhà khoa học cũng như sinh viên khắp thế giới đó so sánh với kết quả từ các chú tinh tinh, tất nhiên là các chú tinh tinh chỉ biết lựa chọn ngẫu nhiên chứ không hề thực sự biết đáp án. Và kết quả là trung bình loài tinh tinh lựa chọn đúng 3/12 câu, trong khi loài người trung bình chỉ có thể chọn đúng 2/12 câu?!

Lý do Hans đưa ra đó là do chúng ta đã quá ác cảm về thế giới chúng ta đang sống. Sự thật là thế giới đang tốt hơn chúng ta nghĩ rất nhiều. Từ tỉ lệ sinh nở, tỉ lệ bé gái được đến trường, học hết phổ thông, đại học, cho tới việc lỗ hổng trên tầng ozone đang dần thu nhỏ lại…tất cả đều đang diễn ra và rất ít người chú ý đến chúng. Lý do là vì chúng ta đang chịu ảnh hưởng quá lớn từ báo chí và các phương tiện truyền thông. Rõ ràng báo chí hoặc các phương tiện truyền thông hàng ngày đều có tin tức về những vụ tai nạn, án mạng hoặc các thông tin tiêu cực khác. Sở dĩ các thông tin này tràn lan như vậy là do chúng là những thông tin có tác dụng thu hút người đọc, và chúng ta lại rơi vào chính những chiếc bẫy được giăng sẵn đó. Việc đọc và xem những tin tức tiêu cực đó hàng ngày đã dần hình thành nên một thế giới tràn đầy nguy hiểm, và những điều tồi tệ. Nhưng thực tế thì sao, cuốn sách sẽ cung cấp tất cả những bằng chứng, dẫn chứng đầy đủ nhất cho bạn.

 

Dĩ nhiên, không thể nói rằng thế giới chúng ta đang sống đã thực sự tốt đẹp, nhưng có thể nó cũng không tồi tệ như chúng ta nghĩ. Hãy chỉ nên tiếp nhận những số liệu, thông tin thực tế thay vì đọc và tưởng tượng nên những viễn cảnh tồi tệ. Giống như Hans đã nói trong cuốn sách, đường thẳng đang có xu hướng đi lên không có nghĩa là nó sẽ tiếp tục đi lên trong tương lai.

 

Ngoài những số liệu thực tế, thông tin hữu ích về thế giới, Hans còn dạy chúng ta về cách nhìn nhận nhiều mặt của một vấn đề khi tiếp nhận thông tin. Ví dụ như trong bài có đưa ra một con số: Năm vừa rồi, 4.2 triệu trẻ em đã chết. Đây là số liệu chính xác từ UNICEF về số trẻ em dưới một tuổi tử vong năm 2016. Đây là sự thật không thể che giấu, và chắc chắn ai cũng cảm thấy thật sốc khi mới đọc được con số này. Nhưng xin nói thêm để bạn biết, vào năm 2015, con số này là 4.4 triệu, và vào năm 1950, con số này là 14.4 triệu! Hay một ví dụ rất thú vị mà Hans đưa ra trong bài viết (và nó đã góp phần thay đổi triệt để quan niệm của mình). Đó là khi một bộ trưởng môi trường từ khối liên minh Châu Âu cáo buộc Trung Quốc và Ấn Độ đang thải ra quá nhiều khí CO2 và có tác động trực tiếp tới việc biến đổi khí hậu như hiện tại. Đáp trả lại lời cáo buộc này, một chuyên gia Ấn Độ đã đưa ra quan điểm của mình: đó là từ bây giờ, chúng ta sẽ tính lượng khí thải theo đầu người!!! Nếu vẫn chưa hiểu ra vấn đề, bạn có thể google lượng khí thải mà Trung Quốc và Ấn Độ thải ra môi trường, cùng với Mỹ, Đức rồi đem chia cho số lượng người dân Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Đức để có câu trả lời.

Trên đây chỉ là rất ít những ví dụ tiêu biểu mà mình thấy thích thú từ cuốn sách, ngoài ra còn rất nhiều các ví dụ cụ thể, đầy hữu ích khác trong sách. Bạn sẽ phải ngạc nhiên vì lượng kiến thức mà cuốn sách này mang lại, và bạn sẽ tìm thấy rất ít những lời dông dài, hay những đoạn dẫn dắt vô nghĩa.

 

Nếu bạn đã đọc tới tận đây, hãy tìm và đọc cuốn sách. Sau đó nếu bạn muốn thay những tin tức tồi tệ, những bài viết chỉ toàn những điều tiêu cực về thế giới này bằng những bài viết cung cấp kiến thức cụ thể, những bài học hữu ích trong thực tế. Hãy gửi email nội dung, chủ đề bạn muốn đọc nhiều hơn về email: darknessangled@gmail.com. Mình sẽ tìm và đưa thêm nội dung mà mọi người yêu thích lên nhiều hơn.

2 comments on “Factfulness by Hans Rosling – Thế giới có thể không tồi tệ như bạn đang nghĩ

  1. Cảm ơn bạn đã chia sẻ cuốn sách rất hay và ý nghĩa sâu sắc này! Mình đang cần mua cuốn sách “Thực tế” bạn có thể chỉ nơi bán giúp tôi được không?

Leave a comment