Do not remain nameless to yourself

 

Năm 1966, 9 năm sau khi nhận được bằng tiến sĩ với bài nghị luận mang tựa đề The self-engery of the scalar nucleon (tạm dịch: Năng lượng riêng của hạt nhân vô hướng), nhà vật lý học Koichi Mano đã gửi một lá thư cám ơn tới Richard Feynman, người thầy đã dạy ông từ thuở đầu tại California Institute of Technology (viện Nghiên cứu Công Nghệ California) và gần hơn là đồng tác giả của một giải Nobel vật lý cho những công trình tiên phong của ông trong lĩnh vực điện động lực học lượng tử. Feynman đã trả lời Mano kèm theo câu hỏi về công việc hiện tại của Mano, Mano sau đó đã trả lời rằng ông đang “nghiên cứu về học thuyết Coherence ( có lẽ kiếp này mình ko dịch nổi từ này, xin lỗi mọi người :(( ) với một số ứng dụng cho việc lan truyền sóng điện từ trong môi trường không khí nhiễu loạn…một vấn đề bình thường và mang tính áp dụng thực tế (chứ không có tính học thuật – theo ý hiểu cá nhân).” Feynman đã trả lời bằng lá thư sau:

Koichi thân mến,

Thầy rất mừng khi nhận được tin em, và biết rằng em đang có một vị trí quan trọng trong các phòng nghiên cứu.

Điều đáng tiếc là lá thư em gửi thầy lại khiến thầy cảm thấy không hạnh phúc vì có vẻ như em đang thực sự buồn. Dường như ảnh hưởng từ những giáo viên của em đã khiến em có nhận thức chưa đúng về việc đâu là vấn đề đáng phải giải quyết. Vấn đề đáng phải giải quyết là vấn đề mà em có thể trực tiếp hoặc trợ giúp người khác giải quyết nó, đó là vấn đề mà trong đó em thực sự có đóng góp của chính mình. Một vấn đề được coi là lớn trong khoa học là một vấn đề tồn tại ngay trước mắt chúng ta nhưng chưa có lời giải và chúng ta có phương hướng để tiến gần tới nó hơn. Thầy muốn khuyên em nên chọn những vấn đề đơn giản hơn, hay thậm chí như em nói, nhỏ bé hơn, cho tới khi em tìm thấy thứ mà em có thể giải quyết thực sự dễ dàng, dù cho nó có tầm thường tới đâu. Em sẽ tìm thấy niềm vui của sự thành công, kể cả bằng cách giúp đỡ đồng nghiệp của mình, dù cho đó chỉ là câu trả lời cho một câu hỏi từ một đồng nghiệp thua kém em rất nhiều. Em không nên tước bỏ những niềm vui ấy của bản thân chỉ vì em đang có quan điểm sai lầm về thứ gì mới là thứ đáng được làm.

Em gặp thầy khi thầy đang trên đỉnh sự nghiệp, khi đó đối với em thầy có vẻ đang nghiên cứu những vấn đề thần thánh. Nhưng cũng tại thời điểm đó, thầy cũng có một nghiên cứu sinh khác (Albert Hibbs) thực hiện một đề tài nghiên cứu về cách gió tạo ra sóng trên biển. Thầy chấp nhận cậu ấy làm sinh viên của mình vì cậu ấy tìm tới thầy với một vấn đề mà cậu ấy muốn giải quyết. Với em, thầy đã mắc sai lầm khi đưa cho em một vấn đề thay vì để em tự mình tìm kiếm vấn đề đó; và khiến em có suy nghĩ sai lầm về điều khiến em thấy thú vị, vui thích hay quan trọng để thực hiện (cụ thể hơn là những việc em thấy em có thể muốn làm). Thầy xin lỗi, mong em sẽ thứ lỗi cho thầy. Thầy hy vọng lá thư này sẽ giúp thầy sửa lại lỗi lầm đó đôi chút.

Thầy đã làm nghiên cứu về rất nhiều vấn đề mà em cho là bình thường, nhưng thầy thực sự yêu thích và cảm thấy rất tuyệt vời vì đôi khi thầy có thể thành công một phần nào đó. Ví dụ như thí nghiệm về hệ số ma sát trên bề mặt được làm nhẵn, để tìm cách học thêm về cách mà ma sát hoạt động (nhưng thất bại). Hay, đặc tính co dãn của pha lê phụ thuộc vào lực giữa các nguyên tử trong nó, hoặc cách khiến kim loại mạ điện dính vào các đồ vật bằng nhựa (như nút vặn radio). Hoặc cách các neutron khuếch tán từ Uranium. Hay sự phản xạ sóng điện từ của các màng phủ kính (films coating glass). Sự lan truyền của sóng chấn động trong các vụ nổ. Thiết kế của một bộ đếm neutron (neutron counter). Tại sao một số nguyên tố lại hút electrons theo quỹ đạo L, chứ không phải K. Lý thuyết chung về cách gấp giấy để tạo thành một món đồ chơi cho trẻ nhỏ (được gọi là flexagons – nếp gấp). Mức năng lượng trong hạt nhân ánh sáng. Học thuyết về sự nhiễu loạn (thầy đã dành nhiều năm cho nó mà không làm được) . Cùng với toàn bộ các vấn đề “lớn hơn nữa” trong lý thuyết lượng tử.

Chẳng có vấn đề nào là quá nhỏ bé hoặc quá tầm thường nếu chúng ta thực sự có thể giải quyết nó.

Em nói rằng em chẳng là ai cả. Điều đó không đúng từ phía vợ và con em. Đồng nghiệp của em cũng sẽ không thấy như vậy nếu em có thể trả lời những câu hỏi đơn giản của họ khi họ có mặt ở văn phòng. Em không hề “chẳng là ai” cả với thầy. Vì vậy, đừng chẳng là ai cả với chính mình – điều đó thật sự quá tồi tệ. Hãy biết vị trí của mình trong thế giới này và tự đánh giá giá trị của mình một cách công bằng, không phải thông qua những ý tưởng ngây thơ của chính em khi còn trẻ, hay thông qua những suy đoán sai lầm về lý tưởng từ những người thầy của em.

Chúc em may mắn và hạnh phúc,

Thân ái,
Richard P. Feynman

 

Hết. Cám ơn đã đọc tới tận đây!

Bài gốc: https://lettersofnote.com/2015/10/23/do-not-remain-nameless-to-yourself/

Leave a comment